Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Sách giáo khoa điện tử – Vũ Hà Văn



HTN: Vũ Hà Văn trả lời báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi có đọc báo về việc đầu tư học sách giáo khoa điện tử. Bản thân tôi không nghĩ đó là một ý hay, và nếu vì một lý do nào đó thành phố nhất định làm, thì cần cân nhắc rất kỹ và thỉ điểm trên diện nhỏ.

(1) Thư nhất, và quan trọng nhất, học qua sách điện tử làm giảm tương tác giữa thầy trò và học sinh với nhau, mà quan hệ đó rất quan trọng, có thể quan trọng hơn kiến thức học được, nhất là ở độ tuổi tiểu học. Việc này có thể ảnh hưởng mạnh đến phát triển tính cách của trẻ, theo hướng tiêu cực. Ta đang nói đến cả một thế hệ, hàng trăm nghìn cháu. Trách nhiệm của việc này rất nặng.

(2) Học qua sách điện tử cũng phức tạp về mặt kỹ thuật, chẳng hạn khi cần dùng hai ba cuốn sách một lúc, để đối chiếu, so sánh, rất khó trên một màn hình nhỏ. Ngay cả những nhà nghiên cứu cũng đọc qua máy tính khi đi công tác thôi, còn phần lớn vẫn dùng sách in. Không thể tránh khỏi việc trẻ dung máy tính bảng để chơi. Thât ra việc trẻ con thích chơi trò chơi điện tử là xu hướng không thể tránh được, nhưng nếu là chơi trên một máy tính riêng biệt, phụ huynh ít nhất có thể giới hạn được thời gian, còn nếu máy tính dùng lẫn trong việc học thì không thể kiểm tra được. Ngoài ra, việc dùng máy tính nhiều, nhất là ở độ tuổi nhỏ, ảnh hướng rất không tốt đến sức khỏe.

(3) Về mặt kinh tế, nhiều gia đình kinh tế eo hẹp sẽ không đủ khả năng để mua máy. 5tr là một khoản tiền lớn với nhiều gia đình. Tuổi thọ của máy tính bảng của Apple cũng chỉ là 2-3 năm. Ngoải ra trẻ con còn rất dễ đánh rơi đánh vỡ. Không biết một bà mẹ nghèo sẽ nói gì với con nếu cháu lỡ tay.

(4) Việc dùng sách giáo khoa trên máy tính cũng được thực hiện ở Mỹ, nhưng chỉ đang ở bước thí điểm. Chẳng hạn học sinh cấp 2 ở khu tôi ở trong 4 năm thì có một năm dùng máy tính, và cả khối cũng chỉ có một số lớp. Phụ huynh không mặn mà lắm.

Nhìn chung mà nói, thì cái thật sự cần nâng cấp ở giáo dục phổ thông là chất lượng giảng dậy và sách giáo khoa. Tôi không nghĩ đổ thật nhiều tiền vào trang bị kỹ thuật sẽ mang lại lợi ích gì nhiều. Sự tận tâm và tay nghề của thầy cô giáo quan trọng hơn nhiều lần, nên lương bổng của họ mới là điều cần quan tâm. Ngoài ra, nếu tôi nhớ không nhầm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có nói chi phí để cải tổ sách giáo khoa thật tốt chỉ độ 100 tỷ, tức là dưới 3% số tiền 4000 tỷ (chỉ riêng cho thành phố Hồ Chí Minh).