Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Em biết cách học


Phạm Toàn
http://www.canhbuom.edu.vn
(Báo cáo tại Hội thảo công bố sách giáo khoa tiểu học 2012 của nhóm Cánh Buồm, ngày 6/10/2012 tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội)
Hôm nay tại Hội trưởng này[1], trong vòng bốn năm đây là dịp hội thảo lần thứ tư, lần này nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm vui mừng báo cáo trước toàn xã hội những cuốn sách tiểu học nhóm đã hoàn thành, bao gồm:
-     Sách Tiếng Việt (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4  lớp 5);
-     Sách Văn (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4  lớp 5);
-     Sách Lối sống (lớp 1, lớp 2, lớp 3);
-     Sách Tiếng Anh (lớp 1, lớp 2);
-     Sách Khoa học và Công nghệ (lớp 1).
Ra đời vào cuối năm 2009[2], đây là những sản phẩm lãng mạn của một nhóm thiện nguyện chưa đến mười thành viên.
Tại sao lại tập hợp nhau để soạn sách giáo khoa tiểu học? Tường trình đầy đủ về việc làm này trước toàn xã hội là điều cần thiết – vì đó là trình ra một hệ thống khái niệm giáo dục đổi mới[3].
1. Làm mẫu
Không chỉ riêng nhóm Cánh Buồm mà cả xã hội, từ các nhà trí thức danh tiếng đến những phụ huynh học sinh bình thường đều chung một nhận định: nền giáo dục nước nhà đang đại khủng hoảng.
Có nhận định cực đoan còn cho rằng nếu không thoát ra được cơn khủng hoảng này, đó sẽ là cuộc tự sát tập thể – ý tưởng quyết liệt này cho rằng Việt Nam đang đứng trước lựa chọn Giáo dục hay là Chết [4].
Tiếc thay, trong khi dư luận xã hội dường như nhất trí coi hiện tình Giáo dục là đại khủng hoảng, thì lại không đạt được sự nhất trí về hướng đi và giải pháp cho một cuộc khủng hoảng đã quá sức chịu đựng.
Chưa kể là, ngay cả khi đạt được một sự “nhất trí” nào đó về lý thuyết, thì vẫn còn đó việc cụ thể hóa lý thuyết thành chương trình học và sách giáo khoa, đồng thời vẫn còn bỏ ngỏ vô số giải pháp về tổ chức sư phạm (chưa kể giải pháp cho việc bảo đảm đời sống vật chất của giáo viên).
Nhóm Cánh Buồm cho rằng trong mớ bòng bong đó, hãy chọn làm mẫu một công việc ích lợi cụ thể, hãy “làm một điều tích cực để chống tiêu cực”[5], một công việc thể hiện cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn giáo dục.
Công việc làm mẫu có ích và cụ thể đó chính là một bộ sách giáo khoa bậc tiểu học, để qua đó mọi người có thể thấy một cách tương đối dễ hiểu những câu trả lời cho những câu hỏi như: giáo dục là gì? bậc học là gì? bậc tiểu học là gì? chương trình học là gì? sách giáo khoa là gì? vv …
2. Giáo dục
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng sống còn của sự nghiệp giáo dục đối với đất nước.
Nhưng lại có những luồng ý kiến khác nhau liên quan đến sứ mệnh của Giáo dục, mà ít nhất có ba ý kiến như sau.
Một luồng ý kiến phản đối dùng Giáo dục phục vụ cho một hệ ý thức – vì cách làm này nô dịch hóa thân phận con người về tinh thần. Có tiếng nói đòi “thế tục hóa” Giáo dục[6], gợi nhớ lại bước tiến lịch sử của thời Khai sáng châu Âu khi đòi Nhà trường phải được tách ra khỏi Nhà thờ.
Một luồng ý kiến phản đối dùng Giáo dục phục vụ cho việc gây dựng lực lượng lao động phát triển kinh tế – cách làm này nô dịch hóa thân phận con người về vật chất đã đành, và con người ấy cũng bị nô dịch hóa cả về tinh thần khi nó không còn chọn lựa khác nữa.
Một luồng ý kiến cực đoan hơn nữa, cho rằng từng cá nhân con người với mỗi trẻ em là một “nhà trường” của chính nó, chống lại mọi hình thức nhà trường hiện hữu, lập luận rằng nhà trường nào thì cũng “đồng phục hóa” con người[7].
Nhóm Cánh Buồm quan niệm sứ mệnh của nhà trường là như sau: nó giúp thanh thiếu niên vượt qua trình độ tư duy tiền khoa học để bước sang trình độ tư duy khoa học[8].
Tư duy tiền khoa học là đặc trưng của kiểu người bán khai trong lịch sử tiến hóa nhân loại, kiểu người tương tự như giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ trước tuổi học đường. Tư duy tiền khoa học (cụ thể) biết quan sát, biết thu thập số liệu, biết phân tích số liệu, và biết ứng dụng các kết luận từ đó – song như vậy vẫn không đủ!
Tư duy khoa học (trừu tượng) là đặc trưng của kiểu người đương đại nhất thiết phải vươn tới – là tư duy của con người tự do, người có tinh thần trách nhiệm và có năng lực để chịu trách nhiệm, và đó cũng là con người có tâm hồn phong phú.
Từng con người tự do ấy, nhờ được một nhà trường chân chính tổ chức cho nó phát triển tự do, con người ấy sẽ có chọn lựa đối với cái hệ ý thức nó cần, và cũng có cả sự chọn lựa về cách thức xây dựng thể chế kinh tế-chình trị-xã hội được nó đánh giá là hợp lý nhất đối với cộng đồng.
Nhà trường có nhiệm vụ và phải vươn lên để có đủ điều kiện đào tạo thanh thiếu niên đạt tới trình độ tư duy tự lập đó. Từng gia đình, dù có điều kiện đầy đủ nhất, cũng khó có thể tự tổ chức “nhà trường” riêng cho con em mình.
Vấn đề vướng mắc khiến nhà trường chưa bao giờ mang đầy đủ tính thuyết phục, nó vẫn chưa đủ sức tổ chức tạo ra tư duy khoa học theo yêu cầu cao nhất cho thanh thiếu niên – nhà trường cho tới nay giỏi lắm là đủ sức tạo tư duy cụ thể cho con em. Nhà trường ấy đang bị xã hội phê phán mạnh mẽ.
Vì thế mới cần đến cải cách giáo dục.