Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Bài tập làm văn năm lớp 6 – Hằng Lê

Đọc đâu đó về việc người ta kêu ca dạy văn Việt Nam là rập khuôn, kém sáng tạo. Chợt nhớ bài kiểm tra hồi mới vào lớp 6.
Lúc đó bạn Hằng vừa được đào tạo khắc nghiệt ở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia với cô Phương – một người không chấp nhận được cái sáo rỗng, khuôn mẫu của văn chương. Thậm chí suýt nữa còn gạch rách vở học trò vì tội đứa nào cũng bảo “con sông quê em ko biết bắt đầu từ đâu – khi về làng em sông uốn thành một dòng xanh ngan ngát. Đến mùa nước lũ, sông đục ngầu phù sa như giận dữ…”.
“Nếu các em không biết nó bắt đầu từ đâu thì tôi nói cho mà biết, ở trên dãy Trường Sơn đổ xuống”. Và cô châm biếm những cô giáo “sóng mũi dọc dừa, người dong dỏng cao, mái tóc đen tuyền như thác đổ, giọng cô dịu dàng lanh lảnh như chuông ngân” trong bài làm của bọn tôi rằng: “Tả con người ấy, đừng có tả tượng nữa. Tả tôi đi, tả cho đúng – tôi thế nào hả? Lùn, đen, tóc xoăn tít như đống mì tôm. Giọng tôi thế nào? Có giống con sư tử gầm không?…”
Trùng hợp là đề bài vào lớp 6 hồi đó là tả cô giáo em. Tôi lại là đứa trẻ ngoan ngoãn, và lại yêu thích cô Phương – thế là tôi ngồi tả cô. Tôi tả cô với một lòng yêu mến vô cùng, và cũng chân thực vô cùng. Rằng cô lùn đen chả đẹp cũng chẳng hiền; nhưng đến cái phần tôi muốn nói cô đã cá tính và tận tâm thế nào, tôi đã thích cô ra sao thì…hết giờ. Hết giờ thật đấy, vì hồi đó tôi nghĩ thì nhanh nhưng viết như con rùa á.
Thế nên bài viết của tôi na ná một bài bôi nhọ hình ảnh cô giáo. May hồi đó không có internet nên rốt cuộc bài văn của tôi chỉ lưu truyền qua tay các thầy cô và dừng lại ở lời mắng của cô Nga với tôi ngày vào lớp. Hồi đó lí do cô giáo dạy văn lớp 6 của tôi mắng cũng không phải vì tôi dám tả một cô giáo không đẹp như mơ, mà là vì tôi quá hăng hái trong việc tả xấu cô giáo, và khi tôi nói rằng mình còn chưa viết đến đoạn tốt – thì bị mắng tiếp vì cô giáo có thể tốt ngay giữa những cái xấu nếu tôi biết tả tử tế. Nên bài tập làm văn đó trở thành một bài học cho việc ham hố chứng tỏ khác người không đúng cách của tôi.
Đến năm lớp 10, cô Liên vào giờ văn đầu tiên của lớp Hóa đã nói rằng: cô không cần chúng tôi soạn văn, cũng không muốn phải chấm những Nguyễn Hiền, Tư Trạm (là tác giả văn mẫu thì phải, tôi thực sự chưa đọc bao giờ nên không nhớ), “cô không yêu cầu lớp Hóa các em giỏi văn như họ, cô chỉ mong có thể để cho các em yêu văn hơn chút nữa… chúng ta cứ thống nhất thế này, nếu các em chép theo văn mẫu – mà cô dạy học 30 năm rồi nên cô thuộc lắm – thì cô không dám cho điểm cao hay thấp, mà cứ để điểm 5 thôi; nếu các em tự mình làm bài thì thấp nhất là 7 điểm nếu không sai chính tả…”

Thế nên giờ tập làm văn của bọn tôi được phép mở sách và suy nghĩ rất lan man về thơ văn. Không biết có phải vì cô giáo sắp về hưu nên phá lệ không, năm đó bọn tôi có bài thi học kỳ là lên bảng đọc thuộc 1 đoạn Kiều em thích và trình bày tại sao lại thích. Tuy rằng đến giờ tôi cũng không biết văn chứng minh, biện luận với phân tích thì khác nhau cái gì, nhưng mà đúng là tôi thích Kiều hơn hẳn.
Bạn thân mến, à quên – các bạn thân mến của tôi giờ đã qua thời tập làm văn rồi, bạn nhỏ còn đi học thân mến: Thực ra thầy cô dạy văn cũng chẳng thích đọc mãi văn mẫu đâu – nếu một ngày bạn thấy không thích hoặc không hiểu tại sao bài thơ này có thể có ý nghĩa nhân văn đó, thì bạn cũng có thể suy nghĩ cẩn thận và viết ra những hoài nghi đó – nhưng đừng bắt đầu bằng việc vùi dập để chứng tỏ mình nổi trội, hoặc nhiệt tình chứng tỏ lời giảng của thầy cô sai.
Nếu thầy cô của bạn đừng quá ấu trĩ và có thể vẫn tận tâm được như những thầy cô giáo dạy văn (mà tôi được học trong đời), thì bạn sẽ có thể tranh luận, có thể được giải thích, có thể ăn mắng, nhận điểm thấp (hoặc rất cao nếu bạn đủ lí sự), có thể nói những gì mình thích. Dù sao thì nó cũng sẽ thú vị và đáng học hơn. Học hành ở Việt Nam ta mà, điểm văn cao là không tốt đâu – sẽ bị chê là cù lần đấy!”.
Hằng Lê